VAM 1, VAM 2, sử dụng nhiên liệu xăng A92, tốc độ 100 km/giờ. Loại máy bay nhẹ 2 người ngồi này cất cánh trong 8 giây, hạ cánh trên đường bay ngắn trong vòng 100 m, thậm chí trên bãi ruộng, mặt nước
Dự án chế tạo máy bay nhẹ được Nhà nước nhiệt tình hưởng ứng. Ngày 18-4-2003, Thủ tướng Phan Văn Khải ký công văn số 55/TB-VPCP, giao cho Hội Cơ học Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới chủ trì tổ chức chế tạo thử một máy bay cánh quạt loại nhỏ 2 chỗ ngồi. Công văn này còn cho phép nhập khẩu miễn thuế một số vật tư, linh kiện, chi tiết máy liên quan. Và Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện dự án.
VAM 1 và VAM 2
Đứa con đầu lòng được chuẩn bị chu đáo, mỗi người mỗi nhiệm vụ. Năm 2003, anh Phạm Duy Long (CLB Dù lượn VietWings) sang Canada học lái máy bay và công nghệ hàng không nhẹ trở về. Tất cả nhóm bắt tay vào việc, dưới sự kiểm soát của ông Vimar Nguyễn. Chiếc máy bay “made in Vietnam” đầu tiên mang tên VAM 1, được xúc tiến và hoàn thành trong 6 tháng. “Lúc mới bắt tay vào việc, ông có nghĩ đến khả năng thất bại?”- tôi hỏi. “Ở Canada chúng tôi đã trực tiếp chế tạo thử thành công và đã được kiểm định chất lượng hẳn hoi. Vì thế ở Việt Nam, công việc chỉ lặp lại, không lý do gì để thất bại được”- ông cho biết.
Động cơ của VAM 1 do Đức sản xuất, phần thiết kế do nhóm tự làm. Các phụ kiện làm bằng nhôm và composite sản xuất tại Việt Nam, cánh là loại cánh diều lượn thể thao. Ngày 8-12-2005, VAM 1 đã cất cánh thành công ở sân bay Long Thành (Đồng Nai) do anh Phạm Duy Long điều khiển.
VAM 1 thành công đã đánh dấu một bước ngoặt mới và mở ra triển vọng đầy hứa hẹn. Ngay sau đó, dự án VAM 2 được Nhà nước chấp thuận. Ngày 17-6-2006 Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký công văn chỉ đạo, giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các quy trình về việc chế tạo, thử nghiệm, sử dụng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp các sản phẩm khoa học thử nghiệm là các loại máy bay được nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam.
Dự án sẽ tiếp tục phát triển
Ông Vimar Nguyễn cho biết theo lịch trình VAM 2, dự kiến sẽ bay thử nghiệm vào đầu tháng 9-2006. Quá trình thực hiện, theo thầy Nguyễn Thái Hoàng, Phó Chủ nhiệm Khoa Hàng không Trường ĐH Bách khoa TPHCM, người chỉ đạo thiết kế, cho biết: “Từ bản vẽ sơ bộ đến bản vẽ từng chi tiết, quá trình thực hiện, những tính toán kết cấu, tính toán khí, động lực học v.v... đều được lưu trữ cụ thể”. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm có đủ cơ sở pháp lý để xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
VAM 2 là kết tinh của trí tuệ Việt Nam, và để minh chứng điều này, trong buổi làm việc với Hội Cơ học Việt Nam,Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ mới, ông Vimar Nguyễn đã trình bày nguyện vọng được đem VAM 2 sang Mỹ tham dự Hội chợ Triển lãm máy bay (đây là hội chợ máy bay lớn nhất thế giới diễn ra hằng năm). Giáo sư- Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, đã hoàn toàn ủng hộ và cho biết sẽ xúc tiến hoàn thành hồ sơ tham gia triển lãm cho sản phẩm này. Kinh phí dự kiến cho triển lãm khoảng 20.000 USD. Ông Đạo cũng cho biết thêm, dự án sản xuất máy bay nhẹ sẽ tiếp tục phát triển.
Khi đề cập đến độ an toàn của máy bay nhẹ do VN sản xuất, anh Phạm Duy Long, người trực tiếp cầm lái VAM 1, cho biết: “Tôi đam mê chinh phục bầu trời, nhưng phải có nguyên tắc, không thể đem tính mạng ra đùa được. Những máy bay loại lớn, hiện đại nhất hiện nay vẫn có thể xảy ra sự cố. Tuy nhiên, đối với VAM 1, VAM 2, chúng tôi đã kiểm định ở Canada, nếu như trường hợp bất đắc dĩ có sự cố xảy ra, đã có một hệ thống dù phụ. Khi có sự cố, dù bung ra, sẽ treo máy bay lơ lửng rồi hạ cánh từ từ, rất an toàn!”.
Tính tiện ích của máy bay nhẹ
Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, Viện Điều tra quy hoạch rừng đã thực hiện dự án trồng rừng gieo hạt thẳng bằng máy bay nhẹ cho 5 triệu ha rừng với mức chi phí chỉ bằng 1/2 so với trồng rừng bằng sạ hạt, lại rút ngắn được thời gian. Và trong lịch sử ngành lâm nghiệp, chúng ta đã từng dùng máy bay nhẹ U6A phun thuốc diệt sâu róm cứu rừng thông ở tỉnh Nghệ An.
Chi phí cho 1 giờ bay phục vụ nông - lâm nghiệp khoảng 100 USD, có thể cất và hạ cánh trên mặt nước. Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường TPHCM đã từng tổ chức xét duyệt đề tài về sử dụng máy bay nhỏ phục vụ nền kinh tế quốc dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, giúp cho việc quy hoạch các khu xây dựng, khai thác du lịch, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó máy bay nhẹ còn được sử dụng cho việc phát hiện cháy rừng và cứu thương ở vùng sâu, vùng giao thông cách trở rất hiệu quả.
Cả nước hiện nay có hàng trăm sân bay nhỏ chưa sử dụng, nếu dùng cho máy bay loại nhẹ thì chưa phải đầu tư tốn kém gì nhiều. Bên cạnh đó, việc gia nhập WTO, với những đòi hỏi của thời hội nhập, sẽ là cơ hội đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp sản xuất máy bay nhẹ của Việt Nam phát triển.
0 ý kiến:
Đăng nhận xét