Bài viết này chúng tôi không đề cập tới tính trung thực, đến bệnh thành tích của ngành giáo dục hiện nay mà chỉ muốn cùng nhau tìm ra những giải pháp tối ưu cho chuyện thi cử thường niên ở các kỳ thi, từ THCS đến THPT và ĐH, bắt đầu từ khâu ra đề thi.
Tôi chưa có điều kiện để so sánh cách ra đề của nước nhà với một số nước khác, song tin rằng chính lối ra đề thi của các môn KHXH như hiện nay đã tạo nên lối học thiếu trung thực và sáng tạo trong học sinh. Các em có thể do áp lực của việc học quá tải mà sinh ra chuyện "kiếm phao cứu sinh" cho mỗi kỳ thi. Do quá nhiều mẫu bài giải (ví dụ như môn Văn học) khiến các em học gạo, học vẹt và thiếu đi sự sáng tạo, sự mê say trong học văn bởi cứ học và làm theo văn mẫu đã là quá đủ.
Đề thi vào đại học mới đây được các thầy, cô dạy văn nhận xét rằng đáp ứng được những tiêu chí cơ bản về việc ra đề theo phương thức đổi mới của Bộ GD-ĐT, không vượt ra ngoài chương trình và sách giáo khoa PTTH, không có tính đánh đố học sinh. Nhưng xem ra cách ra đề đã làm mất đi tính sáng tạo trong tư duy của mỗi học sinh. Nói cách khác, nó không có "đất" cho những tư duy sáng tạo dụng võ!
Những cuốn sách tham khảo với hàng trăm bài văn phát hành kìn kìn mỗi năm đã phần nào chứng minh sự bất ổn của việc học theo lối nhồi nhét, tạo nên một áp lực do "bội thực" sách tham khảo.
Liệu có cách nào cải tiến được cách thi cử rất dễ nghĩ đến chuyện dùng "phao" như hiện nay?
Theo tôi, với kỳ thi tốt nghiệp PTTH, nên chăng giảm bớt số lượng môn thi như hiện nay (6 môn) xuống còn 4 môn là hợp lý. Còn cụ thể là những môn nào, xin dành việc này cho các nhà khoa học. Nhưng ngay cả việc chỉ thi 4 môn đi nữa, cách ra đề cũng nên nghiên cứu sao cho bớt được tối đa những câu hỏi buộc phải nhớ số liệu tỉ mỉ một cách không cần thiết. Thậm chí, ngay trong đề ra, có thể chúng ta cung cấp cho thí sinh số liệu và bắt các em phải động não phân tích. Như vậy, có "phao" mang vào cũng bằng không. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, kiến thức học và đề thi ra sát nhau như hiện nay thì có phần cần thiết và đúng đắn.
Còn với kỳ thi tuyển sinh vào bậc đại học? Liệu có nên bắt học sinh phải thuộc lòng tất cả tác giả, tác phẩm văn học cũng như các đặc điểm một cách quá chi tiết liên quan đến tác giả, tác phẩm như hiện nay?
Xin lấy một số ví dụ xung quanh cách ra đề ở một vài nước mà tôi đọc được hoặc nghe nói để bạn đọc tham khảo và suy nghĩ.
Trên báo Văn nghệ số ra ngày 8/7/2006 vừa rồi có một số đề văn qua kỳ tuyển sinh đại học tháng 6/2006 tại Trung Quốc. Thật bất ngờ và cũng thật thú vị, xin đơn cử:
- "Hiện nay, lượng người đọc sách ở Trung Quốc ngày một giảm: Năm 1999 là 60%, năm 2001 là 52%. Nguyên nhân đọc ít: Người đứng tuổi nói không có thời gian, thanh niên nói không có thói quen, có người nói đọc sách không "vào" nổi. Ngược lại, số người đọc trên mạng ngày một tăng: năm 1999 là 3,7 %, năm 2003 là 18,3%. Hãy trình bày một cách nhìn của bạn về vấn đề trên. Số chữ 800". (Đề của ĐH Quốc gia).
- "Từ dưới mặt đất, nhân loại thấy mặt trăng lung linh ngời sáng. Đặt chân lên mặt trăng, mặt trăng cũng gồ ghề lồi lõm như mặt đất. Bạn cảm nghĩ gì về chuyện trên? Không dùng thể tản văn, viết một đoạn văn về đề tài trên". (Đề ở ĐH Đông Sơn).
- "Chim én non rất béo, bay không cao. Én mẹ bắt én con năng rèn luyện giảm béo để bay cao. Viết một đoạn văn với chủ đề "én giảm béo", đầu đề và thể loại tự chọn. Số chữ 800". (Đề ở ĐH Giang Tây).
- "Xã hội là một cuốn sách, con người là một cuốn sách, thiên nhiên là một cuốn sách, cha mẹ bạn bè cũng là sách. "Đọc" là hiểu, là khám phá, là vượt qua; đọc sách giúp ta suy nghĩ, thưởng thức. Viết một đoạn văn với đầu đề "Đọc". Không hạn chế thể loại. Số chữ trên 800". (Đề ở ĐH An Huy).
Hoặc như có lần tôi đã viết trên Thanh Niên về chuyện ra đề thi vào đại học dự bị ở Anh năm 2001. Chỉ sau sự kiện nước Mỹ bị bọn khủng bố tấn công có 2 tuần, vậy mà đề bài luận của học sinh được gắn luôn với sự kiện nói trên, rất cập nhật và quả là chẳng... giống ai!
Với lối ra đề như trên, ngoài việc phát huy gợi mở tư duy sáng tạo của học sinh, từ đó, nó cũng có thể bộc lộ năng lực, kiến thức sâu rộng của các em mà còn qua cách ra đề này, vì không có trong sách giáo khoa cho nên khó có thể tính chuyện quay cóp? Tất cả đều phải độc lập tác chiến!
Và nếu đọc kỹ những đề ra ở Trung Quốc, hầu như họ còn khống chế cả số chữ trong một bài thi. Điều này thực ra vừa dễ nhưng cũng sẽ vô cùng khó. Nó khác hoàn toàn cách ra đề của chúng ta, viết tràng giang đại hải tới cả chục trang, người chấm bài sẽ vô cùng khổ sở.
Đôi điều nêu trên, rất mong các nhà cải cách giáo dục và cả chúng ta cùng suy ngẫm.
Theo báo: Thanh Niên 11/07/2006