1, 2, 3 cùng đua lên mặt trăng!

Mô hình tàu đổ bộ lên mặt trăng của Mỹ
Hơn một năm nay, tàu thăm dò mặt trăng SMART-1 của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã bay quanh mặt trăng để thu thập dữ liệu chuẩn bị cho những cuộc đổ bộ lên mặt trăng trong tương lai. Tháng 8 này nó sẽ rơi xuống mặt trăng, kết thúc sứ mạng

Kết thúc nói trên sẽ là mức khởi đầu của một cuộc chạy đua chinh phục chị Hằng đang được nhiều nước trên thế giới chuẩn bị chu đáo. Cuộc đua lần này không chỉ có Mỹ và Nga – hai cường quốc thám hiểm không gian không có đối thủ gần nửa thế kỷ nay – mà còn có thêm châu Âu, Trung Quốc (TQ), Ấn Độ, Nhật Bản. Cái sự đông đúc này khiến người ta tự hỏi: Lên mặt trăng để làm gì ?

KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Vào đầu thập niên 1960, khi cuộc chạy đua vào không gian bao la mới bắt đầu, các nhà báo Mỹ hỏi nhà bác học Werner Von Braun, cha đẻ ngành tên lửa Mỹ, ông mong tìm thấy gì trên mặt trăng? Von Braun nói vui: “Người Nga”. Nhưng nếu đặt câu hỏi đó vào thời điểm hiện nay hẳn ông Von Braun – nếu còn sống – sẽ phải trả lời: “Người TQ, người Ấn Độ, người Nhật và người châu Âu”.

Thật vậy 4 quốc gia và lục địa nói trên đang bận bịu phóng hoặc lên kế hoạch phóng các con tàu không gian tự động lên mặt trăng. Và trong vòng 15 năm nữa có thể họ sẽ có đại diện trên mặt trăng. Mục tiêu trước mắt của tất cả các nước – kể cả Mỹ và Nga tất nhiên – là lập bản đồ khoáng sản và tìm nước đá để các nhà du hành không gian trong tương lai trích lấy nước uống dự trữ cho các chuyến bay từ mặt trăng đến các hành tinh khác. Xa hơn nữa, các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy một thứ khoáng vật có tên là ilmenite giàu đồng vị phóng xạ helium-3. Trên lý thuyết, có thể khai thác ilmenite và chở về trái đất cung ứng cho cho các lò tổng hợp hạt nhân tương lai.

Bà Carle Pieters, nhà khoa học địa chất hành tinh công tác ở Trường Đại học Brown của Mỹ, nhận định: “Thập niên sắp tới sẽ chứng kiến nhiều điều ngoạn mục”. Bà là nhà khoa học hàng đầu của chương trình phát triển thiết bị có tên M3 (viết tắt của từ Moon Mineralogy Mapper – người vẽ bản đồ khoáng vật học trên mặt trăng). Đây là một thiết bị của Mỹ sắp được tên lửa Ấn Độ Chandrayaan-1 phóng lên quỹ đạo mặt trăng đo đạc sóng ánh sáng từ bề mặt mặt trăng để xác định các nguyên tố.

BẤT NGỜ ẤN ĐỘ

Đối với người Mỹ, việc Ấn Độ có hẳn một chương trình không gian trong đó có dự trù chương trình khai thác mặt trăng dưới gốc độ thương mại là một bất ngờ. Cơ quan Không gian Ấn Độ được thành lập rất sớm – từ năm 1962. Gần đây khi Ấn Độ công bố những tham vọng khai thác thương mại mặt trăng thì các nước phương Tây vẫn tỏ ra không quan tâm lắm. Hạ nghị sĩ Mỹ Ken Calvert, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Hạ viện Mỹ, cảnh báo: “Tôi biết nước Mỹ chúng ta đang trở lại mặt trăng và sau đó là sao Hỏa thông qua chương trình thám hiểm. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng trước tình hình xem thường những thách thức của các nước khác. Nước Mỹ cần phải duy trì vị trí (thống lĩnh) toàn cầu của mình”.

Đương kim Tổng thống Ấn Độ A.P.J. Abdul Kalam, trước khi bước chân vào chính trường, là người đi tiên phong trong chương trình không gian của Ấn Độ. Trả lời phỏng vấn của báo The Hindu hồi năm ngoái, ông nhận xét: “Sao Hỏa và mặt trăng có tiềm lực thương mại rất lớn. Mặt trăng có nhiều helium-3 và một số khoáng vật khác... Chúng ta cần phát triển công nghiệp tổng hợp helium-3 (để làm nhiên liệu)”. Ấn Độ có hàng trăm nhà khoa học về không gian và trong số này không ít nhà khoa học có tầm cỡ thế giới. Giáo sư S.A. Haider thuộc phòng thí nghiệm vật lý ở Navrangpura từng tuyên bố: “Ấn Độ không chỉ có khả năng thực hiện một phi vụ lên mặt trăng mà lên cả sao Hỏa, sao Kim và các hành tinh khác”.

TQ chắc chắn đã gây ấn tượng rất mạnh đối với các nước phương Tây, đặc biệt với Mỹ, khi phóng thành công những chuyến bay có người lên quỹ đạo trái đất. Chương trình chinh phục mặt trăng của TQ mang tên “Dự án Hằng Nga” có quy mô không kém gì Mỹ.

Hồ Thạch Hương, nguyên phó trưởng “Dự án bay có người trong không gian của TQ”, cho biết: “Dự án Hằng Nga” đã khởi động. Nó gồm 3 giai đoạn: bay vào quỹ đạo, đổ bộ và lấy mẩu vật đưa về trái đất. Tháng 4 - 2007, TQ dự kiến sẽ phóng vệ tinh Hằng Nga - 1 nặng 2 tấn lên quỹ đạo mặt trăng thăm dò tài nguyên và phân bổ năng lượng trên hành tinh này trong giai đoạn một. Các giai đoạn 2 và 3 sẽ được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020.

Tái ngộ chị Hằng

Người Mỹ tương tư mặt trăng. Kể từ ngày đưa người lên mặt trăng thành công bằng tàu Apollo 17 năm 1972, người Mỹ muốn quay trở lại, biến mặt trăng thành căn cứ xuất phát những chuyến bay lên sao Hỏa và các vì sao khác.

Kế hoạch trở lại mặt trăng được Tổng thống Bush công bố từ tháng 1-2004 với kinh phí dự trù 104 tỉ USD. “Cây đinh” của kế hoạch này là CEV, một kiểu tàu không gian mới thế hệ 5 có hình dáng giống tàu Apollo nhưng to hơn có thể chở 4-6 phi hành gia, nặng gấp đôi và dùng được 10 lần. CEV hiện đại hơn Apollo ở chỗ an toàn hơn (thảm họa tàu con thoi Challenger và Columbia vẫn ám ảnh người Mỹ), có thể đáp bất cứ nơi nào trên mặt trăng (Apollo cũ chỉ đáp ở vùng xích đạo) và ở lại trên đó lâu hơn (4-7 ngày).

Theo kế hoạch, CEV sẽ được hoàn tất vào năm 2010 sau khi chương trình tàu con thoi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Phi vụ lên mặt trăng đầu tiên sẽ được thực hiện từ năm 2018.

NGUYỄN CAO tổng hợp

0 ý kiến: