Một mặt trăng của sao Thổ có thế có sự sống

Những vết nứt hình vằn da hổ trên bề mặt cực nam Enceladus

Enceladus, một trong bảy mặt trăng của sao Thổ, có thể là một trong số ít ỏi những hành tinh có sự sống trong hệ Mặt trời.

Đây là phát hiện thiên văn học quan trọng nhất trong vòng 1/4 thế kỷ trở lại đây.

Tháng 7-2005, tàu vũ trụ Cassini của Mỹ và Châu Âu bất ngờ chụp được hình ảnh những chùm tia nước và tinh thể băng bắn lên trên bề mặt vùng cực nam của Enceladus, khiến giới thiên văn học khấp khởi hi vọng rằng họ sẽ tìm thấy sự sống ở đây.

Kết quả nghiên cứu bước đầu về Enceladus, được đồng loạt đăng tải trên tạp chí Science số đầu tháng 3 vừa qua.

Nước và chất hữu cơ - hai yếu tố cần có cho mọi loài sinh vật sống - đều có ở Enceladus. Trong những tia nước bắn lên từ các mạch nước ngầm có chứa methane, CO2 và propane.

Yếu tố thứ 3 - năng lượng để duy trì quá trình trao đổi chất của cơ thể sống - có thể tồn tại trong những mạch thuỷ nhiệt dưới đáy của túi nước dưới bề mặt Enceladus.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên, nếu như tới đây cực nam Enceladus sẽ nhộn nhịp với những đoàn thám hiểm từ trái đất" - Carolyn Porco, phụ trách nhóm chụp ảnh của tàu Cassini, đồng thời là tác giả của một nghiên cứu về Enceladus trên tờ Science, nói.

Vài dự đoán về nguồn gốc của các mạch nước phun đã được đặt ra, chẳng hạn như do băng bị đun nóng chuyển thành hơi, hoặc dòng nước phun lên là hỗn hợp kiểu sao chổi của băng và bụi.

Nhưng chúng đều bị loại trừ khi Cassini phát hiện ra tỉ lệ băng và hơi nước phun trào lên tương tự nhau.

Giả thuyết tốt nhất còn lại là các mạch nước này bị đẩy lên do chính dòng chất lỏng dưới bề mặt băng.

Điều này càng được củng cố bởi nhiệt độ của Enceladus: dù nhiệt độ trên bề mặt vào khoảng -101 độ C, sâu dưới lòng đất vùng cực nam khoảng 10m lại có những điểm đạt nhiệt độ trên 0 độ C, tập trung quanh những vùng mà trên mặt đất có nhiều vết "vằn da hổ".

Băng trên bề mặt ở khu vực này cũng được chứng minh là được hình thành muộn hơn những vùng khác.

Giải thích của Cassini là nước đã được đun nóng đến nhiệt độ sôi ở sâu dưới lòng đất, đẩy mặt băng phía trên tạo thành những vết vằn da hổ.

Nguồn sinh nhiệt có thể là những hòn đá bị nấu chảy nằm rất gần bề mặt ở cực nam.

Trong điều kiện môi trường thiếu ánh sáng mặt trời và chỉ mới có các hợp chất đơn giản, có lẽ không thể hi vọng sẽ có con người (với nước da màu xanh) sống trên hành tinh này, mà chỉ có các vi khuẩn.

Sẽ phải mất nhiều năm nữa, những kết quả nghiên cứu của Cassini về Enceladus mới có thể được phát triển: sau 3 chuyến bay vòng quanh hành tinh này trong năm 2005, chuyến bay tới sẽ không thể thực hiện sớm hơn năm 2008.

Từ giờ đến lúc đó, những câu hỏi lớn vẫn treo lơ lửng. Chẳng hạn như tại sao một mặt trăng với đường kính chỉ khoảng 480km như Enceladus lại có thể sinh nhiệt lớn đến vậy.

Hệ thống sao Thổ cách Mặt trời 1,4 triệu năm ánh sáng, vì vậy ít có khả năng ánh sáng mặt trời "hâm nóng" hành tinh này.

Đã có một số nhà khoa học giả thuyết rằng Enceladus là một mặt trăng bất đối xứng, với lõi nóng chảy nhỏ nằm lệch tâm về phía cực nam, khiến cho các vùng nóng lại tập trung tại vùng cực nam, và Enceladus có những túi nước trong lòng đất thay vì một đại dương trên bề mặt. Nhưng khi đó, lại có một câu hỏi khác là tại sao lõi của Enceladus lại nằm lệch tâm!

Dù sao đi nữa, những khám phá mới trên về Enceladus cũng được coi là một sự kiện quan trọng nhất của ngành thiên văn học trong vòng 25 năm trở lại đây.

Trước mắt, điều này có thể khiến NASA khôi phục trở lại ngân quỹ giành cho những hoạt động khoa học vũ trụ, và đặt Enceladus lên trước Europa - một mặt trăng của sao Mộc - trong danh sách các hành tinh xếp hàng chờ giới khoa học tới tìm kiếm sự sống.

Theo Lao động

0 ý kiến: