Lọc nước biển thành nước ngọt

Thạc sĩ Lê Quang Đức giới thiệu hệ thống xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO)

Dù đang trong giai đoạn triển khai nhưng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn tại huyện Cần Giờ - TPHCM hứa hẹn mở ra một tương lai sáng sủa cho nhiều vùng thiếu nước ngọt khác

Hệ thống xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) do thạc sĩ Lê Quang Đức, Giám đốc điều hành Công ty THHH Hưng Long, thiết kế, chế tạo theo công nghệ nước ngoài, có giá thành rẻ hơn 40%-60% so với nước ngoài.

Công nghệ ngoại, giá nội

Tại huyện Cần Giờ, tổng nồng độ chất rắn hòa tan trong nước (TDS) đo được trung bình ở mức 8.500 mg/lít; những điểm khảo sát khác ở trong huyện TDS lên đến 14.000 mg/lít, có nơi cao đến mức 39.000 mg/lít... Tuy nhiên, mức độ nhiễm mặn có cao hơn vẫn không gây khó khăn cho hệ thống xử lý nước bằng công nghệ RO. Theo thạc sĩ Lê Quang Đức, với công nghệ RO, nước nhiễm mặn ở mức độ nào... đều có thể cho ra nước ngọt. Công nghệ xử lý nước theo nguyên tắc thẩm thấu ngược này đã được nhiều nơi trên thế giới sử dụng. Trên nguyên tắc dùng áp lực cao hơn áp lực thẩm thấu, nước được bơm qua hệ thống lọc RO dưới áp lực cao tạo thành dòng nước tinh khiết và dòng muối đậm đặc. Qua kiểm nghiệm, nước ngọt thu được bảo đảm như nước tinh khiết, các chất bẩn nguy hại như nitrat, ion kim loại, sun phát, chất bẩn hữu cơ (TOC), vi khuẩn... hầu như bị loại bỏ.

Yêu cầu của UBND TPHCM giao cho nhóm thực hiện đề tài là phải thiết kế, chế tạo, lắp đặt được hệ thống lọc “chất lượng ngoại, giá nội”. Theo tinh thần này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phần lớn những linh kiện sẵn có trong nước, ngoại trừ màng lọc, vỏ chịu áp lực cao, bơm áp lực cao (những thứ mà Việt Nam chưa sản xuất được). Theo kế hoạch, tháng 3-2006 hệ thống xử lý nước sẽ được lắp đặt tại xã Tam Thôn Hiệp - huyện Cần Giờ, mỗi ngày cung cấp 190 m3 nước.

Giảm 30% ngân sách TP bù lỗ nước

Mỗi năm ngân sách TPHCM bù lỗ cho việc cấp nước tại Cần Giờ hết 17 tỉ đồng nhưng người dân vẫn phải chi trả thêm 10.000 đồng/m3 nước. Lý do, vì nước phải vận chuyển từ nơi khác đến, vừa tốn kém nhiên liệu, nguồn nước đôi khi không đủ đáp ứng, lại khó kiểm soát về chất lượng. Theo tính toán của những người triển khai lắp đặt hệ thống này tại Cần Giờ, giá thành nước sạch chỉ khoảng 6.000 – 7.000 đồng/m3 (đã bao gồm chi phí vận hành, bảo trì , khấu hao thiết bị trong vòng 5 năm).

Thạc sĩ Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, nhận định: “Từ chỗ có nơi phải trả 20.000 đồng/m3 nước, nay giá thành chỉ còn 6.000 đến 7.000 đồng. Nếu chúng ta triển khai rộng rãi công nghệ này, TPHCM sẽ giảm được khoảng 30% ngân sách phải bù lỗ cho việc cấp nước hiện nay”.

Thạc sĩ Lê Quang Đức, tốt nghiệp Viện Công nghệ hóa tinh vi mang tên Lomonosov, Moscow (1984-1990). Sau đó, làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất hóa mỹ phẩm, Trung tâm Kỹ thuật Chất dẻo, quản đốc sản xuất và công nghệ Nhà máy Bia Việt Nam. Từ năm 1996-2005 làm đại diện về hóa chất và công nghệ cho Hãng Dow Chemical International của Mỹ tại Việt Nam. Trong thời gian đó, đã nghiên cứu thành công nhiều lĩnh vực về công nghệ mỹ phẩm, chất dẻo và công nghệ xử lý nước.


Theo NLD

0 ý kiến: